Tài Liệu Bầu Cử vào HĐĐD và HĐGS Cộng Đồng NVQG- NC Nhiệm Kỳ 2012-15

Dưới đây là các tài liệu chính về cuộc bầu cử Ban Đại Diện CĐNVQG-NC

1.- Lịch Trình Bầu Cử:

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA NAM CALI
Ban Tổ Chức – Giám Sát Bầu Cử Cộng Đồng Nhiệm Kỳ 2012-2015
Văn Phòng tọa lạc số: 14916 Dillow St. Westminster, CA 92683
Điện thoại số: 714-548-0440

Thông Báo #1, Ngày 10-1-2012

TRÂN TRỌNG THÔNG BÁO LỊCH TRÌNH BẦU CỬ CỘNG ĐỒNG 

1-Nhận đơn ứng cử: từ ngày 12-01-2012 đến ngày 12-02-2012; Thứ 2 đến Thứ 6: 2:00 PM đến 6:00 PM

2-Duyệt xét hồ sơ Ứng Cử Viên: từ ngày 12-02-2012 đến 18-02-2012

3-Công bố danh sách Ứng Cử Viên: ngày 19-02-2012

4-Thời gian khiếu nại về Ứng Cử Viên từ ngày 19 đến 26-02- 2012

5-Công bố danh sách ỨCV chính thức ngày 29-02-2012

6-Thời gian vận động bầu cử từ ngày 01-03-2012 đến  24-03-2012

7- Bầu cử dự trù ngày 25-3-2012

Trân trọng thông báo.

Little Saigon, ngày 10-01-2012

TM Ban Tổ Chức Bầu Cử 

2.- Đơn Ứng Cử Hội Đồng Đại Diện hay Hội Đồng Giám Sát CĐNVQG-NC

Đơn Ứng Cử Hội Đồng Đại Diện hay Hội Đồng Giám Sát CĐNVQG-NC

_________________________________________________________________________

3.- Nội Quy của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California:

NỘI QUY

CỘng ĐỒng NgưỜi ViỆt QuỐc Gia Nam California
Vietnamese American Federation of Southern California

TU CHÍNH LẦN THỨ NHẤT NGÀY 17 THÁNG 12, 2011 

CHƯƠNG  I
DANH XƯNG – BIỂU TƯỢNG – TÔN CHỈ – MỤC ĐÍCH
 

Điều 1.  DANH XƯNG 

Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California – Vietnamese American Federation of Southern California, viết tắt là CĐNVQG-NC hay VAFSC là danh xưng của tổ chức bất vụ lợi, do người Việt Quốc gia, người Việt tỵ nạn  cộng sản tại miền Nam California thành lập, hoạt động trong khuôn khổ luật pháp địa phương và theo Bản Nội Quy này, với những điều khoản ấn định dưới đây. 

Điều 2.  BIỂU TƯỢNG 

CĐNVQG-NC  tuyên xưng “Lá Cờ Vàng Ba Sọc đỏ” và bài hát “Tiếng Gọi Công Dân”, quốc kỳ và quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa là biểu tượng thiêng liêng của người Việt quốc gia. Nơi nào có sinh hoạt của CĐNVQG-NC, các biểu tượng này phải được trưng bày một cách trang trọng.

Điều 3. TÔN CHỈ 

CĐNVQG-NC là tập thể của những người Việt  tỵ nạn cộng sản, có lập trường quốc gia, không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ cộng sản hay bất cứ chế độ độc tài nào trên đất nước Việt Nam, hoạt động theo tôn chỉ sau đây:

3.1.  CĐNVQG-NC là một tổ chức bất vụ lợi.

3.2.  CĐNVQG-NC hoạt động trong tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa các tổ chức đoàn thể và đồng hương trong cộng đồng.

3.3.  CĐNVQG-NC sẵn sàng liên kết với các tổ chức khác trên toàn thế giới có cùng mục đích.

3.4.  CĐNVQG-NC sinh hoạt theo nguyên tắc dân chủ và luật pháp địa phương.

Điều 4.  MỤC ĐÍCH 

CĐNVQG-NC được thành lập nhằm mục đích:

4.1.  Xây dựng một cộng đồng ViệtNamđoàn kết và vững mạnh giữa các cá nhân, tổ chức đoàn thể trong cộng đồng.

4.2.  Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và truyền thống của người Việt.

4.3.  Tổ chức các sinh hoạt về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và những sinh hoạt khác hầu  phục vụ cộng đồng

4.4.  Xây dựng  mối quan hệ với các cộng đồng bạn để trao đổi văn hóa và hiểu biết.

4.5.  Tranh đấu và tổ chức các sinh hoạt hậu thuẫn công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, và độc lập cho đồng bào và quê hương ViệtNam. 

CHƯƠNG  II
PHẠM VI  HOẠT ĐỘNG  –  TRỤ SỞ 
 

Điều 5.   PHẠM VI  HOẠT ĐỘNG 

Phạm vi hoạt động chính của CĐNVQG-NC bao gồm các vùng sau đây: San Fernando Valley, Los Angeles, Orange, Pomona, Riverside, San Bernardino và San Diego. Khi cần thiết CĐNVQG-NC sẽ hoạt động ngoài Nam California

Điều 6.  TRỤ  SỞ 

6.1. Trụ sở chính của CĐNVQG-NC được đặt trong vùng Orange County, Nam California, Hoa Kỳ.

6.2. Tùy theo nhu cầu, CĐNVQG-NC có thể thành lập các văn phòng phụ ở các nơi khác tại Nam California. 

CHƯƠNG III
THÀNH VIÊN

Điều 7.  THÀNH VIÊN 

7.1.  Tuy CĐNVQG-NC không phải là một tổ chức theo hình thức có hội viên và phải đóng hội viên phí, nhưng CĐNVQG-NC bao gồm tất cả những người Việt Nam hay gốc Việt Nam  chấp nhận bản nội quy này, cư ngụ trong phạm vi hoạt động của CĐNVQG-NC là thành viên.

7.2.  Những thành viên có ghi danh bầu cử và có đi bầu là thành viên hoạt động.

CHƯƠNG IV
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỘNG ĐỒNG
 

Điều 8.  CÁC CƠ CHẾ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA NAM CALIFORNIA 

CĐNVQG-NC được tổ chức với các cơ chế sau đây:

  1. Hội Đồng Đại Diện (HĐĐD)
  2. Hội Đồng Giám Sát
  3. Hội Đồng Đại Biểu (HĐĐB)

Điều 9.  THỂ THỨC THÀNH LẬP, NHIỆM KỲ VÀ THÀNH PHẦN 

9.1. HỘI ĐỒNG ĐẠI DIỆN (HĐĐD), gồm năm (5) thành viên, được thành lập qua hình thức ứng cử liên danh, trực tiếp phổ thông bầu phiếu và kín. Các thành viên trong HĐĐD sẽ phải tuyên thệ trước khi nhận nhiệm vụ. Nhiệm kỳ phục vụ của Hội Đồng Đại Diện là ba (3) năm.

9.2.  HỘI ĐỒNG ĐẠI BIỂU (HĐĐB) gồm đại diện các tổ chức, đoàn thể trong cộng đồng tự nguyện gia nhập hoặc được mời.

9.3. HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT gồm năm (5) thành viên được thành lập qua cuộc bầu cử đơn danh cùng lúc với cuộc bầu cử Hội Đồng Đại Diện. 

9.4. Các chi tiết về điều kiện ứng cử, thể thức bầu cử, tổ chức bầu cử và giám sát bầu cử cơ chế HĐĐD sẽ được ấn định bởi Thể Lệ Bầu Cử và Ứng Cử.

Điều 10.  HỘI ĐỒNG ĐẠI DIỆN (HĐĐD) 

10.1. HĐĐD gồm năm (5) thành viên do trực tiếp bầu cử liên danh, được tổ chức và phân công phân nhiệm như sau:

Chủ Tịch
Phó Chủ Tịch Nội Vụ
Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ
Tổng Thư Ký
Thủ Quỹ

10.2. Chủ tịch là người thụ ủy liên danh ra ứng cử trong cuộc bầu Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng. Các chức vụ khác sẽ do liên danh đắc cử quyết định trong liên danh ứng cử của mình.

10.3. HĐĐD có thể lập ra các Ủy Ban Chuyên Môn (Văn Hóa, Giáo Dục, Xã Hội, Giới Trẻ, Thông Tin, Kế Hoạch, Thương Mại, Vận Động Tài Chánh, Kỹ Thuật, Sinh Hoạt…) và mời thêm các Trưởng Ban để phụ trách công việc của các Ủy Ban Chuyên Môn này tùy theo nhu cầu.

10.4. Phát Ngôn Viên của Hội Đồng Đại Diện CĐNVQG-NC sẽ do HĐĐD đề cử.

10.5. HĐĐD có thể đề cử một thành viên của HĐĐD hay thuê mướn nhân sự bên ngoài đảm trách nhu cầu thường trực của CĐNVQG-NC.

Điều 11.  HỘI ĐỒNG ĐẠI BIỂU (HĐDB) 

11.1. HĐĐB gồm đại diện các tổ chức đoàn thể đang sinh hoạt trong cộng đồng với nhiều thành phần khác nhau như: Quân Đội; Đoàn thể Văn Hóa; Đoàn thể Đấu tranh; Chính Đảng; Chuyên Gia; Thương Gia; Truyền Thông; Thanh Niên Sinh Viên; Tổ Chức Tôn Giáo… tự nguyện gia nhập hoặc được mời. HĐĐB gồm 2 cơ cấu: ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU và ỦY BAN THƯỜNG VỤ (UBTV/HĐĐB)

11.2. Ủy Ban Thường Vụ của HĐĐB gồm chín (9) thành viên do Đại Hội Đại Biểu bầu ra với nhiệm kỳ phục vụ là ba (3) năm.

11.3. UBTV/HĐĐB được tổ chức và phân nhiệm như sau:

Một Chủ Tịch
Một Phó Chủ Tịch
Một Thư Ký
Sáu (6) Ủy Viên.

11.4. Các chức vụ của UBTV-HĐĐB do nội bộ tự phân công phân nhiệm.

11.5. Uỷ Ban Thường Vụ/HĐĐB có nhiệm vụ phải mời gọi thêm các thành viên và triệu tập một Đại Hội Đại Biểu để bầu ra tân Ủy Ban Thường Vụ/HĐĐB trong vòng hai tháng trước khi chấm dứt nhiệm kỳ.

Điều 12.  HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT (HĐGS) 

12.1 Hội Đồng Giám Sát gồm năm (5) thành viên được bầu theo hình thức ứng cử đơn danh qua cuộc phổ thông đầu phiếu cùng lúc với cuộc bầu cử của Hội Đồng Đại Diện.

12.2 Nhiệm kỳ của HĐGS là 3 năm.

12.3. Các chức vụ của Hội Đồng Giám Sát sẽ do nội bộ HĐGS phân định với sự phân nhiệm như sau:

Một Chủ Tịch
Một Phó Chủ Tịch
Một Thư Ký
Hai (2) Ủy Viên

CHƯƠNG V
NHIỆM VỤ – QUYỀN HẠN – HOẠT ĐỘNG
 

Điều 13.  HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT (HĐGS) 

13.1. HĐGS có nhiệm vụ khuyến cáo và nhắc nhở HĐĐD với những hoạt động không thích hợp với vai trò của một Ban Đại Diện Cộng Đồng.

13.2. HĐGS có nhiệm vụ giám sát và khuyến cáo HĐĐD về những hành vi của các thành viên của HĐĐD trái với nội quy như phạm pháp, thân cộng hoặc làm mất uy tín hay đi ngược lại quyền lợi của cộng đồng.

13.3. Nếu HĐĐD không có những biện pháp chế tài thích ứng với khuyến cáo của HĐGS, HĐGS và UBTV/HĐĐB sẽ triệu tập Đại Hội Cộng Đồng để giải quyết.

Điều 14.  HỘI ĐỒNG ĐẠI BIỂU (HĐĐB) 

14.1. HĐĐB qua ỦY BAN THƯỜNG VỤ có nhiệm vụ yểm trợ và hợp tác với HĐĐD trong việc điều hành và phát triển sinh hoạt cộng đồng.

14.2. Tất cả các quyết định trong Buổi Họp Đại Hội Đại Biểu Cộng Đồng cần thông qua với đa số quá bán số thành viên hiện diện. 

Điều 15.  HỘI ĐỒNG ĐẠI DIỆN (HĐĐD) 

15.1.  NHIỆM VỤ

15.1.1. Nhiệm vụ của HĐĐD là đưa ra các chủ trương, đường lối, dự án công tác, chương trình hoạt động, đề nghị ngân sách cho các hoạt động của CĐNVQG-NC.

15.1.2.  HĐĐD có nhiệm vụ huy động nhân tài, vật lực để thực hiện các chủ trương, đường lối, dự án công tác, điều hành các hoạt động của CĐNVQG-NC.

15.1.3.  HĐĐD có nhiệm vụ tổ chức các buổi họp nội bộ thường lệ để duyệt xét các dự án công tác, chương trình hoạt động, quyết định thực hiện các sinh hoạt hay tổ chức họp công khai để tường trình thành quả hoạt động, tham khảo ý kiến với đồng hương.

15.1.4.  HĐĐD có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động gây quỹ, tiếp nhận các khoản tặng dữ (donations) hay thu nhập, giữ sổ sách kế toán, quản trị tài sản, lập tờ khai thuế hàng năm theo luật lệ của chính quyền.

15.1.5. HĐĐD có nhiệm vụ mời các nhân sự phụ trách các Ủy Ban. 

15.2. TRÁCH NHIỆM CỦA THÀNH VIÊN

15.2.1. Chủ Tịch HĐĐD là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia – Nam California có nhiệm vụ phối hợp, điều hành mọi hoạt động của HĐĐD/CĐNVQG-NC, và chịu trách nhiệm về hoạt động của CĐNVQG-NC.

15.2.2. Chủ Tịch HĐĐD có nhiệm vụ triệu tập và chủ tọa các phiên họp thường lệ của HĐĐD và đồng chủ tọa các buổi Họp Chung hay Khoáng Đại của các cơ chế hay Đại Hội Cộng Đồng của CĐNVQG-NC.

15.2.3. Chủ Tịch HĐĐD có nhiệm vụ soạn thảo các bản tường trình hoạt động hàng năm để báo cáo trước Đại Hội Cộng Đồng.

15.2.4. Chủ Tịch HĐĐD có quyền quyết định các khoản chi không quá $1000.00 Mỹ Kim. Mọi chi tiêu trên $1000.00 Mỹ Kim phải có sự chấp thuận của toàn bộ HĐĐD trong buổi họp nội bộ thường lệ.

15.2.5. Phó Chủ Tịch Nội Vụ HĐĐD điều hành những ban chuyên môn được chỉ định và sẽ thay mặt Chủ Tịch HĐĐD khi vị này vắng mặt.

15.2.6. Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ HĐĐD điều hành những ban chuyên môn được chỉ định và sẽ thay mặt Chủ Tịch khi Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Nội Vụ vắng mặt.

15.2.7. Phát Ngôn Viên của Hội Đồng Đại Diện CĐNVQG-NC có nhiệm vụ thay mặt Ban Đại Diện Cộng Đồng chính thức công bố và phổ biến những tin tức, sinh hoạt của Hội Đồng Đại Diện CĐNVQG-NC, trả lời các câu hỏi của giới truyền thông báo chí.

15.2.8. Tổng Thư Ký HĐĐD phụ trách các công việc hành chánh, văn thư, mời họp, lập nghị trình các buổi họp và phụ giúp Chủ Tịch HĐĐD chuẩn bị các dự thảo tường trình hoạt động hàng năm của CĐNVQG-NC.

15.2.9. Thủ Quỹ HĐĐD có nhiệm vụ phối hợp với Ủy Viên Tài Chánh tiếp nhận và quản trị các tài khoản, trương mục ngân hàng và có trách nhiệm giữ sổ sách kế toán về tiền bạc, động sản và bất động sản của CĐNVQG-NC.

15.2.10. Ủy viên Tài Chánh có nhiệm vụ phụ giúp Chủ tịch trong việc vận động tài chánh cho Cộng Đồng.

15.2.11. Ủy viên Kế Hoạch có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết lập và đệ nạp các kế hoạch hoạt động, đề án ngắn hạn hoặc dài hạn của Hội Đồng Đại Diện.

15.2.12 Các Trưởng Ủy Ban Chuyên Môn sẽ tham gia sinh hoạt của CĐNVQG-NC tùy theo sự ủy quyền và phân công phân nhiệm của HĐĐD.

15.2.13. Vì lý do sức khỏe, gia đình, hay trở ngại công việc, các thành viên của HĐĐD có thể xin phép tạm ngưng sinh hoạt tối đa là ba tháng. Sau ba tháng mà không thể trở lại sinh hoạt bình thường được, thành viên có trở ngại nên xin từ nhiệm.

15.2.14. Thành viên HĐĐD có trở ngại liên quan đến các vụ khiếu nại, kiện cáo có thể xin từ nhiệm hoặc HĐĐD có thể quyết định bãi nhiệm.

15.3. NGUYÊN TẮC SINH HOẠT 

15.3.1. Các phiên họp thường lệ của HĐĐD mang 2 hình thức: họp mở rộng và họp nội bộ. Họp mở rộng là buổi họp công khai trước cộng đồng để HĐĐD tường trình những hoạt động đã qua và sắp tới. Họp nội bộ là buổi họp của các cơ chế Cộng Đồng để bàn thảo công việc. HĐĐD có nhiệm vụ thông báo nghị trình cũng như biên bản về những buổi họp cho các cơ chế.

15.3.2. Các phiên họp của HĐĐD chỉ có giá trị và được xúc tiến nếu hội đủ đa số quá bán túc số thành viên của HĐĐD. Nếu không đủ túc số, phiên họp sẽ được dời vào buổi họp kế tiếp.

15.3.3. HĐĐD sẽ họp Khoáng Đại hàng năm với sự chứng kiến và tham gia của đồng hương để tường trình những kết quả làm việc và lắng nghe những ý kiến đóng góp của các hội đoàn, đoàn thể và đồng hương.

15.3.4. Tổng Thư Ký có nhiệm vụ soạn thảo nghị trình với sự góp ý của các thành viên HĐĐD và gởi Thông Báo Mời Họp ít nhất 48 giờ trước các phiên họp nội bộ bằng văn thư, e-mail và điện thoại nếu cần.

15.3.5. Chủ Tịch hay hai (2) thành viên của HĐĐD có thể đề nghị triệu tập các Buổi Họp khẩn cấp hay bất thường. Thông Báo Mời Họp có thể rút xuống tối thiểu là sáu (06) giờ.

15.3.6. Nghị trình buổi họp có thể được thêm hoặc bớt trước khi buổi họp bắt đầu với sự chấp thuận của quá bán thành viên hiện diện.

15.3.7. Bất cứ thành viên nào có mâu thuẫn quyền lợi với bất cứ vấn đề gì được thảo luận trước HĐĐD, thành viên đó sẽ không được bàn thảo và biểu quyết trong buổi họp. 

CHƯƠNG VI
SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG – NGUYÊN TẮC QUYẾT ĐỊNH
 

Điều 16.   SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG 

16.1. Sinh hoạt thường lệ của các cơ chế trong CĐNVQG-NC bao gồm việc điều hành văn phòng Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng, hội họp nội bộ hàng tuần, hàng tháng hay định kỳ để duy trì các hoạt động thường lệ và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc thi hành các chủ trương đường lối, và thực hiện các chương trình hoạt động của CĐNVQG-NC.

16.2. Chủ tịch hay Chủ Tịch Ủy Ban của mỗi cơ chế, triệu tập và chủ tọa các phiên họp nội bộ riêng của từng cơ chế.

16.3. Các phiên họp của từng cơ chế chỉ được xúc tiến nếu hội đủ đa số quá bán túc số thành viên tham dự. Nếu không hội đủ túc số, phiên họp sẽ được dời lại vào phiên họp kế tiếp. Tại phiên họp kế tiếp, bất cứ số thành viên tham dự là bao nhiêu, buổi họp vẫn có thể xúc tiến và có giá trị.

16.4. Các thành viên phải nhận được Thông Báo Mời Họp ít nhất 48 giờ trước các phiên họp nội bộ thường lệ bằng văn thư, e-mail hay/và điện thoại nếu cần.

16.5. Trong trường hợp phải họp khẩn cấp hay bất thường, Thông Báo Mời Họp bằng văn thư, điện thư hay điện thoại có thể rút xuống tối thiểu là trước 6 giờ. 

Điều 17.   SINH HOẠT CHUNG GIỮA CÁC CƠ CHẾ 

17.1. Trụ sở của CĐNVQG-NC là nơi sinh hoạt chung chính thức của các cơ chế.

17.2. Các buổi họp chung giữa các cơ chế có thể được tổ chức để bàn bạc, trao đổi những vấn đề cùng quan tâm hoặc để tìm hiểu trong chiều hướng hợp tác và hỗ trợ vì quyền lợi chung của cộng đồng.

17.3. Mỗi sáu tháng, HĐĐD phải triệu tập buổi họp chung với các cơ chế HĐGS và UBTV/HĐĐB để tường trình thành quả hoạt động và hoạch định kế hoạch trong sáu tháng kế tiếp.

17.4. Hàng năm, HĐĐD phải tổ chức một buổi Họp Khoáng Đại chung bao gồm cả Hội Đồng Đại Diện, Hội Đồng Đại Biểu, Hội Đồng Giám Sát và đồng hương để cùng tường trình và kiểm điểm những hoạt động trong năm cũ, thảo luận và thông qua các đề án, chương trình hoạt động cho năm mới.

Điều 18.  CÁC ĐẠI HỘI CỘNG ĐỒNG

18.1. Đại Hội Đại Biểu do UBTV/HĐĐB triệu tập khi có nhu cầu giải quyết công việc của HĐĐB hay cộng đồng.

18.2. Đại Hội Cộng Đồng Thường Niên gồm cả tất cả các cơ chế, các tổ chức đoàn thể, hội đoàn, hiệp hội, đảng phái và đồng hương trong cộng đồng được triệu tập bởi HĐĐD. Thư mời và thông báo về Đại Hội phải được gửi ra ít nhất hai tuần trước ngày Đại Hội.

18.3. Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường gồm tất các cơ chế, và các Đoàn thể, Hội đoàn, Hiệp Hội, Chánh Đảng ,và đồng hương để giải quyết những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn mà HĐĐD và HĐĐB hoặc Đại Hội Cộng Đồng Thường Niên không thể giải quyết được.

18.4. Chủ tịch HĐĐD có thể triệu tập Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường. Việc mời họp chỉ cần thực hiện qua thông báo bằng thư, điện thư, điện thoại, truyền thông ít nhất 48 tiếng trước giờ họp.

18.5. Trong trường hợp Chủ Tịch HĐĐD không triệu tập Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường vì bất cứ lý do gì thì chủ tịch HĐGS hay chủ tịch UBTV/HĐĐB có trách nhiệm triệu tập, tổ chức và là chủ tọa tại Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường.

Điều 19.  NGUYÊN TẮC LÀM QUYẾT ĐỊNH TRONG CÁC SINH HOẠT 

Trong mọi sinh hoạt hội họp, mọi quyết định chung của các cơ chế hay Đại Hội phải dựa trên nguyên tắc bầu phiếu dân chủ, đa số tương đối của các tham dự viên hiện diện. Khi số phiếu bằng nhau, thì phiếu của Chủ tịch là phiếu quyết định. Mọi sự ủy quyền đều không được chấp nhận.

CHƯƠNG VII
NGÂN SÁCH HOẠT ĐỘNG – KẾ TOÁN – QUẢN TRỊ TÀI SẢN
 

Điều 20.  NGÂN SÁCH HOẠT ĐỘNG 

HĐĐD phải soạn thảo ngân sách và chương trình hoạt động hàng năm cho CĐNVQG-NC để đưa ra Đại Hội Cộng Đồng Thường Niên biểu quyết, thông qua và thực hiện vào mỗi đầu tài khóa. Các cơ chế khác có nhiệm vụ tiếp tay, giúp đỡ để việc soạn thảo ngân sách và các chương trình hoạt động này phù hợp với thực tế và khả thi.

Điều 21. TÀI SẢN CỘNG ĐỒNG

Tại sản của CĐNVQG-NC gồm có: hiện kim, hiện vật, trương mục ngân hàng, động sản, bất động sản, tài sản tinh thần, hồ sơ tài liệu, sổ sách, mà CĐNVQG-NC có được qua sự thủ đắc hay tặng giữ.

Các nguồn tài chánh phải công khai minh bạch, hợp pháp và không đi ngược tôn chỉ và mục đích của bản nội quy này.

Điều 22. NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ TẠI  SẢN CỘNG ĐỒNG

22.1. HĐĐD có nhiệm vụ quản trị toàn bộ tài sản của CĐNVQG-NC, lập sổ sách kế toán, hồ sơ tài sản, hồ sơ chi thu, soạn thảo các bản tường trình tài chánh, tài sản của Cộng Đồng tại Đại Hội Cộng Đồng Thường Niên.

22.2. Thành viên mãn nhiệm hoặc từ nhiệm, phải bàn giao tài sản cho người kế nhiệm trong thời gian sớm nhất, không quá một tuần với biên bản và các chứng từ liên hệ.

22.3. Mọi việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm thế bất động sản của Cộng Đồng phải do HĐĐD thực hiện.

Điều 23.   QUẢN TRỊ TÀI CHÁNH VÀ THỦ TỤC CHI THU 

23.1. Mọi khoản tiền mặt hoặc chi phiếu thu ngân phải được ký thác vào Trương Mục ngân hàng của CĐNVQG-NC và cập nhật hóa sổ sách trong vòng năm (5) ngày làm việc kể từ ngày nhận.

23.2. Mọi khoản chi và thu phải có văn kiện chứng minh và ghi vào nhật ký chi thu để lưu hồ sơ, và để đệ trình cơ quan thuế vụ của chính quyền hay HĐGS khi có nhu cầu hậu kiểm.

23.3. Mọi chi phiếu xuất ngân phải có phiếu nhu cầu (requisition) và biên nhận (receipt) và phải hội đủ hai trong ba chữ ký của Chủ Tịch hoặc Phó Chủ Tịch Nội Vụ và Thủ Quỹ của HĐĐD.

23.4. Ngân quỹ của cộng đồng chỉ được chi tiêu vào các hoạt động của Cộng Đồng. Thành viên nào lạm dụng ngân quỹ của Cộng Đồng cho mục tiêu cá nhân, hay phí phạm ngân quỹ sẽ bị coi là vi phạm nội quy nghiêm trọng, sẽ bị chế tài theo các Điều Khoản trong Chương VIII. Vi Phạm Nội Quy – Kỷ Luật – Biện Pháp.

23.5. Thủ Quỹ chỉ được giữ tiền mặt không quá ba trăm ($300.00) Mỹ Kim, số tiền còn lại phải được ký thác vào trương mục của Hội Đồng Đại Diện CĐNVQG-NC trong ngày làm việc gần nhất.

23.6. HĐĐD có nhiệm vụ phải lập các tờ khai thuế và tài chánh cho chính quyền theo luật lệ hiện hành, các bản tường trình tài chánh hàng tháng hay khi có nhu cầu.

Điều 24. PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN 

24.1. CĐNVQG-NC áp dụng kế toán công khai theo luật lệ hiện hành. Sổ sách kế toán của CĐNVQG-NC phải được kiểm toán hàng năm bởi một Kiểm Toán Viên chuyên nghiệp.

24.2.  Tài khóa của CĐNVQG-NC bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12 mỗi năm. 

CHƯƠNG VIII
VI PHẠM NỘI QUY – KỶ LUẬT – BIỆN PHÁP
 

Điều 25.   CÁC VI PHẠM THƯỜNG 

Được xem là vi phạm thường các hành vi bất tuân kỷ luật sinh hoạt đối với bất kỳ thành viên nào của CĐNVQG-NC có một trong những hành vi sau đây:

  • Không thi hành các công tác đã được giao phó hay đã nhận lãnh mà không có lý do chính đáng.
  • Không tham dự những buổi họp sinh hoạt định kỳ ba lần liên tiếp mà không thông báo hay không có lý do chính đáng.

Điều 26.  CÁC VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG

Được xem là vi phạm nghiêm trọng các hành vi bất tuân kỷ luật, trái đạo đức hoặc không tham gia sinh hoạt đối với bất cứ thành viên nào của CĐNVQG-NC có một trong những hành vi sau đây:

  • Cố ý vi phạm những điều khoản quy định trong Bản Nội Quy của CĐNVQG-NC.
  • Có những hành vi bất xứng, thiếu đạo đức, lừa đảo, gian dối, can án các tội về hình sự hay dân sự, gây bất ổn, trở ngại hay thiệt hại cho sinh hoạt, quyền lợi và uy tín của CĐNVQG-NC.
  • Có những hành vi hợp tác với Cộng Sản Việt Nam, thân cộng, đi ngược lại chủ trương đường lối chính trị của nội quy, gây nguy hại đến uy tín của CĐNVQG-NC như loan tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, chủ trương Hòa Hợp Hòa Giải, Giao Lưu Văn Hóa, tiếp tay cho cộng sản Việt Nam.
  • Phổ biến các tài liệu mật, quan trọng của CĐNVQG-NC.
  • Lạm dụng, gian lận ngân quỹ hay biển thủ tài sản của CĐNVQG-NC.
  • Về Việt Nam ngoài những lý do cần thiết như tang chế hay liên hệ gia đình. 

Điều 27.  THỂ THỨC KHIẾU TỐ 

Bất cứ đồng hương hay thành viên nào của CĐNVQG-NC, khi phát hiện các thành viên trong CĐNVQG-NC có những vi phạm đã ghi trong các Điều 25 và 26, đều có quyền gửi đơn khiếu tố lên HĐGS để xem xét. Mọi đơn khiếu tố phải bằng văn thư với tên và địa chỉ của người khiếu tố cùng với các bằng cớ cụ thể. Thư nặc danh sẽ không được cứu xét. 

Điều 28.  CƠ QUAN PHÂN XỬ

28.1.  Mọi vi phạm bởi các thành viên, trừ vị chủ tịch HĐĐD, Chủ Tịch HĐGS, hay Chủ Tịch UBTV/HĐĐB sẽ do cơ chế liên hệ với thành viên vi phạm nội quy phân xử.

28.2.  Chiếu Điều 13.3 và 18.5., Chủ Tịch HĐGS và Chủ Tịch UBTV/HĐĐB có thể triệu tập Đại Hội Cộng Đồng để có biện pháp thích ứng đối với thành viên của HĐĐD về những hành vi phạm pháp, thân cộng hoặc đi ngược lại quyền lợi của cộng đồng nếu HĐĐD không có biện pháp chế tài cụ thể.

28.3.  Các vi phạm nghiêm trọng mà nội bộ HĐĐD, nội bộ HĐGS hay nội bộ HĐĐB không thể giải quyết hay chính chủ tịch của các cơ chế vi phạm sẽ được phân xử bởi Hội Đồng Chế Tài (HĐCT) gồm năm (5)  thành viên đại diện của HĐĐD và HĐGS. Cơ chế không có thành viên vi phạm đề cử ba (3) thành viên trong đó có Chủ Tịch HĐĐD hay Chủ Tịch HĐGS nếu hai vị này không phải là người bị khiếu tố.

28.4. Cơ chế nào có thành viên vi phạm sẽ cử người đại diện của cơ chế làm Thuyết trình viên tại  HĐCT nếu cần, nhưng Thuyết trình viên không được dự phần quyết định phân xử.

28.5. Chủ tịch của Hội Đồng Chế Tài là Chủ tịch HĐĐD hay Chủ Tịch HĐGS khi cơ chế nào không có thành viên vi phạm, có trách nhiệm triệu tập cùng chủ tọa các phiên họp phân xử.

28.6. Thư Ký của HĐGS hay Tổng Thư Ký của HĐĐD đảm trách nhiệm vụ thư ký các phiên họp phân xử của HĐCT.

28.7. Việc phân xử cần phải được thực hiện trong thời gian sớm nhất trong vòng một tháng sau khi nhận được đơn khiếu tố. 

28.8. Mọi quyết định của HĐCT phải được sự chấp thuận của đa số 3/5 các thành viên hiện diện mới có giá trị.

Điều 29. QUYỀN BIỆN MINH 

29.1. Các thành viên bị khiếu tố có quyền biện minh trong các phiên họp phân xử.

29.2. Nếu thành viên bị khiếu tố khước từ quyền biện minh, việc phân xử vẫn được tiến hành. 

Điều 30.  CÁC BIỆN PHÁP 

30.1. Tùy theo mức độ vi phạm, các cơ quan phân xử có thể áp dụng một hay nhiều biện pháp sau:

a)   Cảnh cáo hoặc khiển trách và yêu cầu sửa chữa các sai phạm
b)   Yêu cầu từ chức và rời khỏi cơ chế.
c)    Bãi nhiệm, bãi chức, loại trừ  khỏi cơ chế
d)   Truy tố trước pháp luật

30.2. Các quyết định chế tài sẽ có hiệu lực tức khắc và được phổ biến trên các phương tiện truyền thông khi cần thiết.

30.3.  Chủ tịch HĐĐD là người có trách nhiệm thực hiện việc truy tố các vụ vi phạm nghiêm trọng. Trường hợp chính chủ tịch HĐĐD vi phạm, thì chủ tịch HĐCT sẽ tiến hành thủ tục truy tố.

CHƯƠNG IX
BẦU CỬ VÀ ỨNG CỬ
 

Điều 31. BẦU CỬ CÁC CƠ CHẾ CỘNG ĐỒNG HĐĐD và HĐGS

Tuy CĐNVQG-NC không phải là một tổ chức theo quy chế hội viên đóng niên liễm nhưng chủ trương tổ chức phổ thông đầu phiếu để chọn lực thành viên vào các cơ chế cộng đồng HĐĐD và HĐGS. Đây là một sinh hoạt có tính cách thực hành dân chủ theo khoản 3.4 về Tôn Chỉ trong bản Nội Quy này.

Điều 32. NGÀY TỔ CHỨC BẦU CỬ

Ngày bầu cử các cơ chế cộng đồng HĐĐD và HĐGS của CĐNVQG-NC phải được tổ chức và hoàn tất chậm nhất là HAI THÁNG trước khi nhiệm kỳ đương nhiệm chấm dứt trừ trường hợp đặc biệt có sự chấp thuận của Đại Hội Cộng Đồng.

Điều 33.  ĐỊA BÀN TỔ CHỨC BẦU CỬ 

Cuộc bầu cử các cơ chế cộng đồng cần phải được tổ chức ở nhiều địa phương trong phạm vi hoạt động của CĐNVQG-NC quy định tại Điều 5, tại những nơi thuận tiện cho việc vận động và bầu cử theo quy định của Thể Lệ Bầu Cử. 

Điều 34.  PHƯƠNG THỨC BẦU CỬ 

Cuộc bầu cử các cơ chế cộng đồng HĐĐD và HĐGS phải được thực hiện bằng phương thức phổ thông đầu phiếu, trực tiếp hoặc khiếm diện. Cử tri phải ghi danh mới có quyền đi bầu và có thể ghi danh ngay khi đi bầu.

Điều 35.  THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM ĐI BẦU 

Thời gian và địa điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử sẽ do Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử phối hợp ấn định tùy theo sự thuận lợi. 

Điều 36.  CỬ TRI

Mọi người Việt Nam hay gốc Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, cư ngụ trong địa bàn sinh hoạt của CĐNVQG-NC, chấp nhận Bản Nội Quy này, có bằng lái xe hoặc thẻ căn cước, có ghi danh bầu cử thì có quyền đi bầu. 

Điều 37.  ĐIỀU KIỆN ỨNG CỬ 

37.1. Mọi người Việt Nam hay gốc Việt Nam đủ 21 tuổi tính đến ngày nộp đơn ứng cử, không can án, cư ngụ ít nhất là một năm trong địa bàn hoạt động của CĐNVQG-NC, có lập trường quốc gia, chấp nhận Bản Nội Quy này, đều có quyền ứng cử vào HĐĐD hay HĐGS. Riêng ƯCV Thụ Ủy Liên Danh phải đủ 30 tuổi trở lên tính đến ngày nộp đơn ứng cử.

37.2. Liên danh ứng cử HĐĐD phải được ít nhất ba (3) tổ chức hay hội đoàn có lập trường quốc gia và đang sinh hoạt trong cộng đồng giới thiệu. Mỗi đoàn thể chỉ được đề cử một liên danh ứng cử.

37.3 . Ứng cử viên HĐGS phải được ít nhất một (1) tổ chức hay hội đoàn có lập trường quốc gia và đang sinh hoạt trong cộng đồng giới thiệu. Mỗi đoàn thể chỉ được đề cử một ứng cử viên.

37.4. Ứng Cử Viên Thụ Uỷ Liên Danh chỉ được tái ứng cử 1 lần.

37.5. Thành viên của Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử không được quyền ứng cử.

Điều 38. TỔ CHỨC BẦU CỬ VÀ GIÁM SÁT BẦU CỬ 

38.1. Việc tổ chức bầu cử và giám sát bầu cử sẽ do Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử phụ trách theo Thể Lệ Bầu Cử của CĐNVQG-NC. Hai Ủy ban này sẽ được thành lập bởi Đại Hội Cộng Đồng do HĐĐD, HĐGS và UBTV/HĐĐB triệu tập sáu (6) tháng trước khi Ban Đại Diện Cộng Đồng (HĐĐD và HĐGS) chấm dứt nhiệm kỳ. Thời hạn này có thể không được áp dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt hoặc khẩn cấp do Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường quyết định.

38.2. Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử hoạt động hoàn toàn độc lập đối với HĐĐD, HĐGS và UBTV/HĐĐB. Thể Lệ Bầu Cử sẽ do Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử soạn thảo và phải được Đại Hội Cộng Đồng thông qua.

38.3. Trong trường hợp số liên danh ứng cử HĐĐD không đủ tối thiểu 2 liên danh hay số ứng cử viên đơn danh cho HĐGS không đủ túc số, Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử phải gia hạn thêm thời hạn nhận đơn.

38.4. Trường hợp bất thường mà Nội Quy không dự liệu và không giải quyết được những bế tắc, Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử có thể yêu cầu HĐĐD, hay HĐGS và UBTV/HĐĐB triệu tập Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường để giải quyết.

38.5. Mọi sự khiếu nại về các ứng cử viên của liên danh hay đơn danh, về cuộc bầu cử phải được minh danh bằng văn thư, với đầy đủ tên tuổi và bằng chứng của người khiếu nại sẽ được cứu xét thỏa đáng trong thời gian hạn định bởi Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử. 

Điều 39.  CÔNG BỐ KẾT QUẢ BẦU CỬ VÀ BÀN GIAO NHIỆM VỤ

39.1. Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử phải tổ chức cuộc bầu cử một cách khách quan, không thiên vị làm lợi riêng cho một ứng cử viên hay đoàn thể nào dưới sự giám sát của Ủy ban Giám sát Bầu Cử.

39.2. Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử phải tổ chức cuộc kiểm phiếu ngay hay càng sớm càng tốt sau khi đóng cửa các thùng phiếu dưới sự giám sát của Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử.

39.3.   Sau khi kết quả cuộc bầu cử đã được Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử thông qua chấp thuận, Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử  phải công bố kết quả trong vòng 24 giờ và chứng nhận kết quả chính thức sau đó.

39.4.    Nhiệm vụ của Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử sẽ chấm dứt sau khi mọi khiếu nại đã  được giải quyết và tân Hội Đồng Đại Diện chính thức được thành lập và ra mắt đồng hương.     

CHƯƠNG X
GIẢI TÁN VÀ THANH LÝ
 

Điều 40.  GIẢI TÁN 

40.1.  Tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California hoạt động vô thời hạn, nhưng vì bất cứ lý do gì CĐNVQG-NC không thể tiếp tục hoạt động được, việc giải tán phải do Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường quyết định theo thủ tục quy định trong Bản Nội Quy này.

40.2. Quyết định giải tán chỉ có hiệu lực với 2/3 tổng số phiếu thuận của những thành viên hiện diện trong Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường.

40.3.  Chủ tịch đoàn Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường phải công bố Quyết Định Giải Tán CĐNVQG-NC và thông báo chính thức trên các cơ quan truyền thông báo chí.

40.4. Các cơ chế HĐĐD, HĐĐB có nhiệm vụ thi hành quyết định giải tán CĐNVQG-NC. 

Điều 41. THANH LÝ 

41.1. Đại Hội Cộng Đồng Bất Thường quyết định giải tán CĐNVQG-NC có nhiệm vụ phải bầu ra một Ủy Ban Thanh Lý để thực thi quyết định Giải Tán CĐNVQG-NC.

41.2. Ủy Ban Thanh Lý phải gồm có ít nhất năm (5) thành viên trong đó có Chủ tịch hay Phó chủ tịch được ủy nhiệm của HĐĐD, HĐGS, và một Kiểm Toán Viên độc lập. Hai thành viên còn lại sẽ được đề cử từ mỗi cơ chế.

41.3. Ủy Ban Thanh Lý có nhiệm vụ kiểm kê toàn bộ tài sản và nợ nần của CĐNVQG-NC, tận thu các khoản sẽ thu hay tài khoản còn tồn đọng, thanh toán các khoản nợ theo đúng luật lệ hiện hành.

41.4. Tài sản của CĐNVQG-NC còn lại sau khi thanh lý sẽ được trao tặng cho các cơ quan bất vụ lợi do Ủy Ban Thanh Lý quyết định. 

CHƯƠNG XI
TU CHÍNH
 

Điều 42.  TU CHÍNH NỘI QUY 

42.1. Các Điều 1,2,3,4 của CHƯƠNG I và Điều 43 của CHƯƠNG XII không thể được tu chính.

42.2. Các Điều khoản khác trong Bản Nội Quy này có thể được tu chính khi cần thiết và có nhu cầu của HĐĐD hay HĐGS và phải được phê chuẩn thông qua tại ĐẠI HỘI CỘNG ĐỒNG.  

CHƯƠNG XII
ĐIỀU KHOẢN CHUNG – HIỆU LỰC
 

Ðiều 43. ĐIỀU KHOẢN CHUNG 

Những quyết định sau này của HĐĐD để bổ túc cho những điều khoản về sinh hoạt và giúp cho HĐĐD hoạt động hữu hiệu hơn có thể được coi là một phần của Bản Nội Quy này và sẽ được chính thức tu chính vào Bản Nội Quy khi cần thiết. 

Ðiều 44. HIỆU LỰC CỦA BẢN NỘI QUY. 

Bản Tu Chính Nội Quy này có Mười Hai Chương, 44 Điều, đã được Đại Hội Hội Đồng Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California biểu quyết thông qua ngày 3  tháng 12, năm 2011, tại Littlle Saigon, Hạt Orange, Nam California, được tu chính trong Đại Hội Cộng Đồng, tại Little Sàigòn, Hạt Orange, Nam California  ngày 17 tháng 12, năm 2011, và có hiệu lực ngay tức khắc.

Little Saigon, ngày 17 tháng 12, năm 2011

Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California

 LS. Nguyễn Xuân Nghĩa

__________________________________________________________________________________

3.- Nôi Quy Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California_Dec, 17_2011

4.- Thể Lệ Bầu Cử Ban Đại Diện Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California:

THỂ LỆ BẦU CỬ
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA – NAM CALIFORNIA
 

  • Chiếu Nội Quy Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Nam California ban hành ngày 14 tháng 8, năm 2010;
  • Chiếu Quyết Nghị của Đại Hội Khoáng Đại Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California ngày 10 tháng 7, năm 2011.

Ban Tu Chính Nội Quy/Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử được thành lập tại Đại Hội Khoáng Đại Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California ngày 10 tháng 7, năm 2011 đã soạn thảo và đệ nạp bản Thể Lệ Bầu Cử này.

Thể Lệ Bầu Cử này đã được chấp thuận thông qua tại Đại Hội Cộng Đồng ngày 17 tháng 12, năm 2011, thành phố Garden Grove. Thể Lệ Bầu Cử này sẽ được áp dụng vào cuộc bầu cử các cơ chế của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California từ năm 2012 về sau.

CHƯƠNG  I
ỦY BAN TỔ CHỨC BẦU CỬ VÀ ỦY BAN GIÁM SÁT BẦU CỬ

Điều 1. Cuộc bầu cử Hội Đồng Đại Diện và Hội Đồng Giám Sát Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia – Nam California (CĐNVQG-NC) sẽ được thực hiện bởi Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử.

Điều 2. Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử phải được bầu ra trong một Đại Hội Cộng Đồng sáu tháng trước cuộc bầu cử.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức nhân sự của Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử gồm có:

  • một Trưởng Ban
  • hai Phó Trưởng Ban
  • một Tổng Thư Ký
  • một Thủ Quỹ
  • một số Uỷ Viên

Điều 4. Nhiệm vụ của Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử là tu chính Thể Lệ Bầu Cử khi cần thiết, và tổ chức cuộc bầu cử Hội Đồng Đại Diên và Hội Đồng Giám Sát CĐNVQG-NC trong thời gian hạn định, một cách đúng đắn, trong sạch, không thiên vị cho một ứng cử viên nào, theo đúng tinh thần Bản Nội Quy và Thể Lệ Bầu Cử của CĐNVQG-NC.

Điều 5. Công tác tổ chức bầu cử cần phải bao gồm những việc sau: (1) thiết lập lịch trình tổ chức bầu cử, (2) phổ biến rộng rãi cuộc bầu cử và khuyến khích sự tham gia đông đảo của đồng hương vào cuộc bầu cử qua việc ứng cử và bầu cử, (3) soạn thảo và phát đơn ứng cử, (4) xét đơn ứng cử, (5) giải quyết các khiếu nại về tư cách và điều kiện ứng cử của các ứng cử viên trong thời gian hạn định, (6) qui định các nguyên tắc và luật lệ vận động tranh cử,

(7) tổ chức gây qũy tổ chức cuộc bầu cử, (8) tổ chức các cuộc nói chuyện vận động tranh cử cho các ứng cử viên, (9) soạn thảo và in ấn phiếu bầu, (10) tổ chức các địa điểm và nhân sự phụ trách phòng phiếu, (11) kiểm phiếu ngay sau khi cuộc bầu cử chấm dứt hay trong thời hạn sớm nhất, (12) giải quyết các khiếu nại về bầu cử trong phạm vi quyền hạn, (13) công bố kết qủa bầu cử, (14) tổ chức Lễ Ra Mắt và Bàn Giao giữa tân và cựu HĐĐD và HĐGS, (15) thực hiện những công tác cần thiết khác nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử đạt được kết quả tốt đẹp.

Điều 6. Cơ cấu tổ chức nhân sự của Uỷ Ban Giám Sát Bầu Cử gồm có:

  • một Trưởng Ban
  • hai Phó Trưởng Ban
  • một Tổng Thư Ký
  • một số Uỷ Viên 

Điều 7. Nhiệm vụ của Uỷ Ban Giám Sát Bầu Cử là (1) giám sát Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử và cuộc bầu cử Hội Đồng Đại Diên và Hội Đồng Giám Sát CĐNVQG-NC theo đúng tinh thần Bản Nội Quy và Thể Lệ Bầu Cử của CĐNVQG-NC một cách đúng đắn ngõ hầu bảo đảm cuộc bầu cử được diễn ra một cách trong sạch, không gian lận, không thiên vị bất kỳ một ứng cử viên nào; (2) cùng với Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử cứu xét các đơn khiếu nại về tư cách và điều kiện ứng cử của các ứng cử viên, cùng các cáo giác về sai trái hay gian lận trong cuộc bầu cử; (3) chứng nhận kết qủa cuộc bầu cử do Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử đệ nạp.

Điều 8. Thành viên của Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và Ủy Ban Giám Sát Bầu Cử không được ghi danh ứng cử.

CHƯƠNG  II
KHU VỰC BẦU CỬ

Điều 9. Khu vực bầu cử bao gồm các vùng thuộc phạm vi Nam California bao gồm các quận hạt Los Angeles, Orange, Riverside, và San Diego.

CHƯƠNG III

THỂ THỨC ỨNG CỬ HỘI ĐỒNG ĐẠI DIỆN CỘNG ĐỒNG CĐNVQG-NC

Điều 10. HỘI ĐỒNG ĐẠI DIỆN CĐNVQG-NC ứng cử theo hình thức liên danh với một danh xưng và một dấu hiệu cho từng liên danh.

Điều 11. Mỗi liên danh gồm 5 ứng cử viên (UCV) chính thức và 2 dự khuyết. Hai UCV dự khuyết không bắt buộc, nhưng nên có để thay thế cho UCV chính thức khi có nhu cầu. Mỗi liên danh phải có một UCV đứng đầu là Thụ Ủy Liên Danh.

Điều 12. Mỗi liên danh phải được ít nhất 3 hội đoàn đang hoạt động và có lập trường quốc gia trong cộng đồng Nam California giới thiệu.

Điều 13. Các ứng cử viên phải là thường trú nhân của miền Nam California trong những thành phố thuộc các quận hạt Los Angeles, Orange, Riverside và San Diego.

Điều 14. Các ƯCV viên phải là người Việt có lập trường quốc gia, không có tiền án hình sự và không về Việt Nam trong thời gian 1 năm trước ngày nộp đơn ứng cử.

Điều 15. Các ƯCV phải đủ 21 tuổi trở lên. Riêng ƯCV Thụ Ủy Liên Danh phải đủ 30 tuổi trở lên tính đến ngày nộp đơn ứng cử.

Điều 16. Ngoài đơn ứng cử liên danh, mỗi UCV trong liên danh phải nộp một tấm hình 4X6 cùng với đơn ứng cử.

Điều 17. Lệ phí ghi danh ứng cừ cho mỗi liên danh do Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử ấn định.

 CHƯƠNG  IV
THỂ THỨC BẦU CỬ HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT CĐNVQG-NC

Điều 18. Hội Đồng Giám Sát CĐNVQG-NC gồm năm (5) thành viên được bầu ra cùng lúc với cuộc bầu cử của Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng qua hình thức đơn danh.

Điều 19. Mỗi ứng cử viên phải được ít nhất một (1) hội đoàn đang hoạt động và có lập trường quốc gia trong cộng đồng Nam California giới thiệu.

Điều 20. Các ứng cử viên phải là thường trú nhân của miền Nam California trong những thành phố thuộc các quận hạt Los Angeles, Orange, Riverside, và San Diego.

Điều 21. Các ứng cử viên phải là người Việt có lập trường quốc gia, không có tiền án hình sự và không về Việt Nam trong thời gian 1 năm trước ngày nộp đơn ứng cử.

Điều 22. Các ứng cử viên phải 21 tuổi trở lên.

Điều 23. Mỗi ứng cử viên phải nộp một hình 4X6 cá nhân cùng với đơn ứng cử.

Điều 24. Lệ phí ghi danh ứng cử cho mỗi ứng cử viên do Uỷ Ban Tổ Chức Bầu Cử ấn định.

CHƯƠNG  V
CỬ TRI

Điều 25. Mọi người Việt Nam hay gốc Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, cư ngụ trong vùng Nam California trong những thành phố thuộc các quận hạt Los Angeles, Orange, Riverside, và San Diego và phải có một trong các giấy chứng từ về nhân thân cùng nơi cư trú như bằng lái xe, thẻ căn cước, hoặc thẻ xanh.

Điều 26. Cử tri có thể bầu khiếm diện bằng cách ủy quyền cho người thân với một trong các chứng từ cá nhân (hay bản sao) sau đây: có bằng lái xe, thẻ căn cước, hoặc thẻ xanh.

CHƯƠNG VI
TU CHÍNH THỂ LỆ BẦU CỬ

Điều 27. Thể Lệ Bầu Cử này có thể được tu chính bởi Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử hay Hội Đồng Đại Diện CĐNVQG-NC khi có nhu cầu và phải được phê chuẩn trong một Đại Hội Cộng Đồng.

Điều 28. Thể Lệ Bầu Cử này gồm sáu Chương, 28 Điều, đã được thông qua tại Đại Hội Cộng Đồng ngày 17 tháng 12, năm 2011 và có hiệu lực tức khắc.

Little Sàigòn, ngày 17 tháng 12, năm 2011

Chủ Tịch Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử           Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện CĐNVQG-NC

Phan Kỳ Nhơn                                             Nguyễn Xuân Nghĩa

___________________________________________________________________

4.- Thể Lệ Bầu Cử Ban Đại Diện Cộng Đồng NVQG – NC NK 2012-15

Leave a comment